Blog Khoa học - Tiếp nối phần 1 về các Khái niệm tổng quan trong xu hướng IoT, đến với phần 2 người viết sẽ giới thiệu tới độc giả về ITS - Hệ thống giao thông thông minh.
Phần 2: HỆ THỐNG GIAO THÔNG THÔNG MINH
Tại Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về ITS, với "Hệ thống giao thông thông minh (ITS - Intelligent Transport System) là hệ thống giao thông có ứng dụng các thành quả của công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông, công nghệ điều khiển nhằm tăng cường khả năng liên kết giữa 3 yếu tố: kết cấu hạ tầng giao thông, con người, và phương tiện để tạo thành một hệ thống giao thông có trí tuệ, hiệu quả, an toàn". Từ định nghĩa trên rút ra:
03 công nghệ áp dụng: Công nghệ thông tin, Công nghệ viễn thông, Công nghệ điều khiển
03 đối tượng: Kết cấu hạ tầng giao thông, Con người (người điều khiển phương tiện), Phương tiện
03 mục tiêu: Thông minh (tiện lợi cho người sử dụng), Hiệu quả (khai thác kết cấu hạ tầng đã được đầu tư), An toàn.
Đặc trưng của hệ thống giao thông thông minh ITS là thuộc dạng hệ thống lớn tích hợp nhiều công nghệ khác nhau, nhiều thành phần và hệ thống con khác nhau do đó điều quan trọng là phải tạo ra được bức tranh tổng thể về các thành phần có liên quan trước khi đi vào xây dựng các hệ thống cụ thể, đó chính là vai trò của Kiến trúc ITS (ITS Architecture).
Về mặt kỹ thuật, hệ thống ITS đều phải dựa trên các thiết bị đo lường, thu thập các thông số giao thông như lưu lượng dòng xe, mật độ dòng xe, vận tốc dòng xe, ...; xử lý thông tin để tìm ra các phương án điều hành tối ưu như phân làn, phân tuyến, xác định chu kỳ đèn tín hiệu, ...; truyền tải thông tin đến người tham gia giao thông dưới dạng các biển báo, đèn tín hiệu trên đường hoặc các thiết bị gắn trên xe.
Một điểm quan trọng khác là các phương thức truyền tải thông tin, như đã nói ở trên nhờ sự phát triển của mạng di động 4G, mạng M2M, tính sẵn có của công nghệ, chi phí phần cứng và truyền dữ liệu rẻ hơn nhiều, ... đảm bảo truyền tải dữ liệu một cách hiệu quả và tin cậy là nhân tố góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng ITS.
Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam "Kiến trúc hệ thống giao thông thông minh ITS" đã quy định 07 nhóm dịch vụ người dùng bao gồm:
1. Quản lý và điều hành giao thông;
2. Thông tin giao thông;
3. Hỗ trợ hoạt động xe cứu hộ;
4. Hỗ trợ vận tải công cộng;
5. Thanh toán điện tử;
6. Nâng cao hiệu quả hoạt động xe thương mại;
7. Hỗ trợ lái xe an toàn.
Mỗi nhóm dịch vụ người dùng sẽ bao gồm nhiều dịch vụ và các dịch vụ con tương ứng. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu phát triển của xã hội mà tiến hành ứng dụng các dịch vụ phù hợp để đảm bảo hiệu quả sử dụng, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội và các yêu cầu đối với kiến trúc hệ thống giao thông thông minh.
Trong quá trình phát triển, các dịch vụ người dùng có thể bổ sung các dịch vụ phù hợp để không ngừng mở rộng và hoàn thiện hệ thống. Quá trình này phải đảm bảo các yêu cầu và nguyên tắc xây dựng kiến trúc hệ thống.
Mô hình kiến trúc vật lý Hệ thống giao thông thông minh bao gồm 4 khối chức năng và khối kết nối truyền thông.
Hình 2. Kiến trúc vật lý Hệ thống giao thông thông minh ITS tại Việt Nam |
Có thể nhận thấy, một cách tự nhiên, hệ thống ITS đã có các đặc tính tương đồng với IoT, các thành phần chức năng và đơn vị đầu cuối trong hệ thống ITS tương ứng với các đối tượng "Things" trong IoT; các thành phần chức năng trong hệ thống ITS tương tác với nhau và giữa các chức năng với các thiết bị đầu cuối nhằm thực hiện dịch vụ người dùng thông qua các giao diện kết nối truyền thông tương tự như cách thức kết nối các đối tượng trong IoT.
Theo Nguyễn Toàn Thắng FPT
dacluu03@gmail.com ConversionConversion EmoticonEmoticon