Những động vật kỳ lạ sống trong bóng tối dưới đáy đại dương (phần 2) - Blog Khoa học

Những động vật kỳ lạ sống trong bóng tối dưới đáy đại dương (phần 2)

Blog Khoa học - Cá răng nanh, cua nhện và giun ống khổng lồ nằm trong số những động vật thích nghi để sống sót qua hàng nghìn năm dưới đáy biển tối tăm cùng điều kiện môi trường khắc nghiệt.


Cá đèn lồng

Cá đèn lồng gồm ít nhất 240 loại, phân biệt bằng cơ quan nhỏ trên đầu, đuôi và dưới bụng. Loài cá này chỉ dài 2,5 – 15 cm và sống ở độ sâu 305 m dưới mặt nước. Phân bố ở khắp nơi trên thế giới, cá đèn lồng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn khi làm mồi cho mực và chim cánh cụt. Ảnh: Wikipedia.



Cua nhện khổng lồ

Với chân dài 3,6 m, bề ngang cơ thể 41 cm và nặng 18 kg, đây là loài cua lớn nhất thế giới. Chúng sống ở độ sâu 152 - 305 m, là loài đặc hữu ở vịnh Suruga, Nhật Bản. Cua nhện có thể sống tới 100 năm và ăn mọi thứ. Tuy nhiên, chúng là mồi cho những loài lớn hơn như mực. Để tự vệ, chúng thường ngụy trang bằng bọt biển. Ảnh: f11photo.



Cá sói Đại Tây Dương

Cá sói Đại Tây Dương là loài háu ăn. Với thân hình giống lươn, răng lớn, đầu to, hàm chắc khoẻ, chúng có thể ăn những động vật có vỏ cứng như nhím biển, cua hay ốc sên. Loài này ưa sống ở vùng nước lạnh phía bắc Đại Tây Dương. Thành phần chống đông trong máu giúp chúng sống sót ở độ sâu 457 m. Cá sói Đại Tây Dương trưởng thành dài 1, 5 mét và nặng 18 kg, có màu xanh, nâu tím hoặc xanh ô-liu. Ảnh: Wikipedia.



Cá mập sáu mang mũi tù

Cá mập sáu mang có cơ thể to lớn, đầu to và mắt xanh dạ quang. Theo Viện nghiên cứu cá mập, Mỹ, chúng có thể dài 4,5 - 4,9 m và nặng gần 600 kg. Loài này sống ở độ sâu gần 2.000 m và di chuyển tới vùng nước nông hơn để săn mồi. Chúng có màu xám, xám nâu hoặc đen ở lưng và màu sắc sáng hơn ở dưới bụng. Ảnh: Sở Cá và Động vật hoang dã Washington.



Giun ống khổng lồ

Giun ống khổng lồ được tìm thấy dưới đáy Thái Bình Dương, quanh miệng thuỷ nhiệt, các vết nứt dưới đáy biển phun nước nóng chứa axit và khí độc. Dù ở môi trường tối và khắc nghiệt, những con giun ống vẫn cao tới 2,4 mét. Giun ống khổng lồ là loài phát triển mạnh nhất trong lớp động vật không xương sống, chúng cao lên 33 cm mỗi năm, theo Smithsonian. Phần đầu ống chứa đầy máu nên có màu đỏ tươi. Ảnh: Wikipedia.



Cá mái chèo

Loài cá có xương lớn nhất thế giới này có thể dài tới 17 m và nặng 272kg, theo National Geographic. Chúng là động vật hiếm gặp do sống ở độ sâu 914 m. Phân bố ở các vùng biển trên khắp thế giới, cá mái chèo có da sần, được bao phủ bởi chất guanine. Khi lên mặt nước, da của chúng mềm và dễ tổn thương. Ảnh:Wikipedia.



Tôm hùm ngồi xổm

Tôm hùm ngồi xổm sống ở độ sâu 1.402 m dưới đáy biển. Chúng thường bị mù và có cơ thể mềm. Tôm hùm ngồi xổm không mang vỏ trên lưng. Thay vào đó, chúng trốn vào khe hở, thường là rặng san hô. Thân tôm hùm ngồi xổm được bao phủ bởi lớp lông nhỏ chỉ dài vài cm. Chúng có họ hàng gần với cua hơn những loài tôm hùm khác. Ảnh: Flickr.


Sứa

Nhiều loài sứa sống ở sâu dưới lòng biển như sứa vương miện, sứa Atolla, sứa Narcomedusae. Dù có màu sắc sặc sỡ, chúng gần như vô hình dưới vùng nước sâu tối tăm. Sứa sống ở khắp các đại dương trên thế giới từ vùng biển lạnh đến ấm. Cơ thể của chúng chứa 95% là nước và không có não. Ảnh: Flickr.
Theo VNE



Previous
Next Post »

dacluu03@gmail.com ConversionConversion EmoticonEmoticon